24 giờ khám phá Trà Vinh với 500.000 đồng
Du khách có thể tham quan 3 ngôi chùa Khmer nổi tiếng, check-in cánh đồng điện gió ven biển và thưởng thức bún nước lèo.
Cách TP HCM khoảng 125 km, Trà Vinh là điểm đến thích hợp cho những người có chuyến đi ngắn ngày, khám phá nét yên bình, các công trình kiến trúc Khmer, ẩm thực cùng các danh thắng, lễ hội đặc sắc... Dương Nhựt Long, sinh năm 1994, quê An Giang, vừa có chuyến đi Trà Vinh vào cuối tuần. Khởi hành từ TP HCM lúc 18h và đến Trà Vinh sau 3 giờ di chuyển, anh nghỉ tại một khách sạn trong thành phố.
Sáng hôm sau, Long cùng bạn dậy sớm đón bình minh và tham quan các địa danh nổi tiếng như: chùa Vàm Rây, chùa KomPong Ksan, chùa Ông, chùa Âng, ao Bà Om, đền thờ Bác Hồ, điện gió Đông Hải 1...
Buổi sáng: Chùa Vàm Rây, điện gió Đông Hải 1
Điểm đến đầu tiên của Long trong hành trình khám phá Trà Vinh là chùa Vàm Rây, ngôi chùa cách TP Trà Vinh khoảng 35 km, thuộc ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú. Nơi này đậm chất văn hóa Khmer. Chùa như một cung điện vàng son từ mái vòm, tường, cột, trụ đến các bức phù điêu. Đặc biệt, chùa có tượng Phật nhập Niết Bàn dài 54 m, chiều cao như một tòa nhà 2 tầng.
Cổng chùa Vàm Rây nguy nga.
Rời chùa Vàm Rây, Long tiếp tục di chuyển đến điện gió Đông Hải 1 ở huyện Duyên Hải. Trên đường đi, anh dừng chân ăn sáng với món cơm tấm. Khoảng 10h, Long đến khu vực điện gió. Đông Hải 1 là dự án điện gió trên biển có quy mô lớn nhất tỉnh Trà Vinh với 25 trụ turbine, tổng công suất đạt 100 MW. Đứng từ bờ, du khách có thể thấy được hàng chục cánh turbine đang quay trong gió, công trình được khánh thành giữa tháng một và đang được giới trẻ quan tâm bởi nhiều góc chụp ảnh độc đáo.
Buổi trưa và chiều: Chùa KomPong Ksan - chùa Ông - ao Bà Om - chùa Âng - đền thờ Bác Hồ
Sau khi tham quan chụp ảnh ở khu điện gió, Long trở về TP Trà Vinh. Với hệ thống hơn 140 chùa Khmer trên khắp tỉnh, du khách vẫn có thể tham quan tiếp hai ngôi chùa đẹp và cổ kính khác là chùa KomPong Ksan và chùa Âng nằm tại trung tâm.
Nếu muốn đổi không khí, chùa Ông (còn gọi là Phước Minh Cung) tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 3, TP Trà Vinh là điểm đến không thể bỏ qua. Công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo của người Hoa được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 và đã trải qua nhiều lần trùng tu, nay vẫn giữ được vẻ đẹp trang nghiêm, linh thiêng.
Long check-in tại "Đà Lạt thứ hai" ở Trà Vinh.
Ao Bà Om là danh thắng nổi tiếng nằm ở ấp Tà Cú, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Nơi này được người Trà Vinh ví như "Đà Lạt thứ hai" bởi khí hậu quanh năm mát mẻ. Quanh ao là những cây sao, dầu cổ thụ tuổi đời trăm năm. Người dân còn gọi nơi này là Ao Vuông do hình dáng gần giống hình vuông, tùy mùa mà ao sẽ có hoa sen hồng, súng đỏ nở rộ đẹp mắt, tạo nét nên thơ, lãng mạn.
Sau khi tham quan các điểm đến, Long thử bún nước lèo cho bữa trưa. Ngoài bún suông, bánh canh Bến Có, bún nước lèo Trà Vinh cũng khá đặc biệt, dù không nổi tiếng như tại Sóc Trăng. Bún nước lèo Dũng Chương là địa chỉ hút khách, tuy nhiên Nhựt Long không ấn tượng với món ăn này.
"Trải nghiệm của mình không như mong đợi lắm, chắc do không hợp khẩu vị. Mùi vị bún khá lạ giống kiểu bún mắm nhưng loãng hơn, nước chần bún không nóng, lúc đem ra hơi nguội, sợi bún to và trong tô có khá nhiều giá, bắp chuối bào, nấm", Long chia sẻ thêm, khách có thể chọn topping khác ăn kèm như: thịt heo quay, chả giò, huyết.
Trước khi rời Trà Vinh, Long cũng ghé tham quan đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, TP Trà Vinh. Nơi này có mô hình Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế, in sao và lắp khoa học với tỉ lệ 97% theo nguyên bản nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội.
Như những ngôi chùa người Hoa khác, chùa Ông thờ vị thần chính là Quan Thánh Đế,
Cánh đồng điện gió Đông Hải 1.
Nét thanh bình duyên dáng của Trà Vinh nhìn từ trên cao.
Bún nước lèo Trà Vinh với topping đa dạng.
Đền thờ Bác Hồ.
Nhựt Long chia sẻ, chuyến đi lần này chủ yếu để check-in đi về trong ngày, khoảng cách di chuyển mỗi điểm đến khá xa nhau. Để tối ưu thời gian, anh chọn ăn uống gọn lẹ như cơm tấm, bún nước lèo, không có nhiều thời gian để thử hết các món đặc sản địa phương. "Nếu có dịp quay lại mình sẽ khám phá nhiều món ngon khác nữa", Long nói.
Tổng chi phí cho chuyến đi 2 người bằng xe máy từ TP HCM đến Trà Vinh, gồm khách sạn (300.000 đồng), xăng (250.000 đồng), ăn uống (300.000 đồng, với cơm tấm, bún nước lèo và hủ tiếu sa tế) và một số chi phí lặt vặt khác. Mỗi người khoảng 500.000 đồng. Những điểm đến trong hành trình đều không thu phí tham quan.
Huỳnh Nhi
Ảnh: Henry Dương - Quốc Thành